Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Lâu bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình. Những suy nghĩ về việc lựa chọn hướng phát triển phù hợp để đưa kinh tế gia đình đi lên luôn khiến ông trăn trở. Với bản chất người lính Cụ Hồ, ông đến nhiều nơi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình. Năm 2018, ông mạnh dạn chuyển đổi 1 ha trồng mía sang trồng cây ăn quả. Ban đầu, ông đầu tư trồng 120 cây ổi Đài Loan, mua tại Viện Nghiên cứu cây trồng Nông nghiệp I – Hà Nội. Ông nhận thấy đây là loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, ông cũng lên mạng Internet tìm hiểu về quy trình chăm sóc và thực hiện theo hướng dẫn của những người có kinh nghiệm trồng loại cây này.
Ông Trần Văn Lâu, thôn Lãng Nhiêu, xã Phú Lương (Sơn Dương) đang chăm sóc vườn ổi.
Ông đầu tư mua dụng cụ, thiết bị xây dựng 2 hệ thống nước tưới trên lá và tưới dưới gốc cây, chăm sóc theo hướng hữu cơ. Ông nói, vất vả, mất nhiều thời gian nhất là việc bao trái ổi và tỉa cành, mỗi trái được bọc 2 lớp; lớp ngoài là bao ni lông để chống sâu, rầy, côn trùng phá hoại; lớp trong là xốp mỏng. Nhờ chăm sóc tốt, theo đúng quy trình kỹ thuật mà giống ổi Đài Loan của gia đình ông được nhiều người biết đến. Đây là loại quả ngon, ít hạt, cho quả quanh năm, năng suất khá cao. Thời gian chăm sóc đến khi thu hoạch trong thời gian hơn 2 tháng. Mỗi cây ổi hàng năm cho thu hoạch 5 – 6 lứa quả, trung bình đạt 10 – 25 kg/cây. Ổi được các thương lái vào tận vườn thu mua với giá hiện tại 10 đến 15 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, ông còn trồng thêm 100 cây táo đường; 200 cây bưởi các loại, 100 cây hồng, 50 cây na. Các loại cây này đã bắt đầu cho thu hoạch, doanh thu mỗi năm đạt 200 triệu đồng. Việc chuyển đổi cây trồng này đã giúp gia đình ông ổn định cuộc sống.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do Hội Cựu chiến binh xã phát động. Đặc biệt là việc chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, động viên cựu chiến binh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao mức sống, vươn lên làm giàu chính đáng. Mô hình trồng cây ăn quả của ông Lâu được nhiều người dân trong thôn, xã đến học tập và làm theo.